Dạo gần đây rất nhiều chị em hỏi về cách trồng cải kale. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu về chúng, bạn đang thắc mắc không biết cải Kale trồng mùa nào thì phát triển tốt? Cách trồng cải kale từ hạt có hiệu quả không?…thì đây chính là bài viết dành cho bạn đấy!
Chúng ta cùng bắt đầu nhé!!!
1. CẢI KALE TRỒNG MÙA NÀO?
Cải Kale nên trồng vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông, vào thời điểm khí hậu mát mẻ.
Cải Kale là loài cây ưa khí hậu thời tiết mát mẻ do đó thời điểm thích hợp nhất để trồng chúng là vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông – thời điểm có khí hậu mát mẻ, se lạnh.
Khu vực trồng cải Kale phải thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng mặt trời, tối thiểu 6 giờ nắng / ngày. Như vậy cây mới sinh trưởng phát triển tốt được.
Nơi có khí hậu nắng nóng có trồng được cải kale không?
Câu trả lời là có, tuy nhiên với điều kiện khí hậu nắng nóng thì cây sẽ không phát triển tốt như ở nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ.
Nhiệt độ gieo trồng thích hợp là dưới 30oC. Nếu như nhiệt độ nắng cao hơn thì bạn có thể sử dụng lưới che để giảm nhiệt độ tránh nắng gắt cho cây. Tưới nước thường xuyên vào lúc trời mát để cung cấp lượng nước mất mát của cây do nắng nóng.
2. CÁCH TRỒNG CẢI KALE TỪ HẠT
Hiện nay hầu hết cải kale đều được nhân giống từ hạt nên bạn hãy yên tâm về hiệu quả của nó nhé.
Hạt cải kale có tỉ lệ nảy mầm tương đối cao, bạn chỉ cần lựa chọn được những hạt giống chất lượng thì việc trồng cải kale từ hạt rất đơn giản.
Cách trồng cải kale từ hạt gồm các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hạt giống
Để hạt giống có tỉ lệ nảy mầm thành công cao thì bạn chỉ nên lựa chọn mua hạt giống ở những đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, chất lượng.
Hiên nay trên thị trường tràn lan các loại hạt giống kém chất lượng, hạt giống giả cho nên bạn phải tìm hiểu thật kỹ trước khi mua hạt giống
Bước 2: Chuẩn bị bầu ươm hạt
Để tiện cho việc chăm sóc, quan sát quá trình nảy mầm của hạt giống thì bạn nên ươm hạt giống vào bầu ươm trước rồi mới chuyển cây con ra đất trồng. Không nên gieo trực tiếp xuống chậu đất, vườn vì hạt giống rất khó nảy mầm và dễ bị côn trùng ăn hạt.
Bầu ươm hạt có thể là các khay nhựa chứa giá thể ươm hạt hoặc các túi nilon nhỏ chứa đất, giá thể,..
Bước 3: Chuẩn bị đất trồng
Do đất trồng chuẩn bị khá lâu nên bạn phải chuẩn bị trước để lúc cây con lớn phải có đất trồng để chuyển cây con sang.
Đất trồng phù hợp để trồng cải kale là đất thịt. Bạn nên phối trộn đất với các giá thể xơ dừa, tro trấu để tăng độ tơi xốp cho đất. Bổ sung thêm phân chuồng hoai mục để cung cấp dinh dưỡng cho cây sinh trưởng phát triển trong thời gian đầu.
Lưu ý:
- Đất trồng nếu được lấy ngoài vườn cần được xử lý sạch các ấu trùng, vi sinh vật có hại cho cây trồng bằng cách trộn với vôi và mang phơi nắng trong 1 tuần. Bạn có thể mua đất đã xử lý ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc trên các trang thương mại điện tử.
- Xơ dừa phải được xử lý chát và độ mặn để tránh ngộ độc cho cây, cây kém phát triển, không hấp thu được dinh dưỡng.
- Phân chuồng phải là loại hoai mục được xử lý sạch ấu trùng, vi sinh vật có hại.
Trộn đất theo tỉ lệ tối ưu như sau: 60% đất thịt + 25% xơ dừa, vỏ trấu + 15% phân chuồng. Nên trộn thêm nấm Tricho để ngăn ngừa các loại nấm phá hoại cây trồng.
Bước 4: Ươm hạt giống
Để tăng tỉ lệ nảy mầm cho hạt giống, trước khi ươm hạt bạn cho hạt giống vào ngâm trong nước ấm khoảng 3 – 5 tiếng. Sau đó bạn vớt hạt ra cho vào khăn ẩm ủ lại.
Sau 1 ngày bạn sẽ thấy hạt nứt mầm ra, lúc này bạn hãy mang chúng gieo vào những bầu ươm.
Gieo hạt cải xoăn Kale vào đất sâu 1,5 cm, phủ một lớp đất nhẹ và tưới ẩm. Sau khi gieo cần tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, bạn chú ý không để đọng nước ở bề mặt đất.
Bước 5: Mang cây con ra đất trồng
Sau khoảng 2 – 3 tuần cây con bắt đầu phát triển lớn dần, khi chiều cao của cây con tầm 10cm có từ 3 – 4 lá thật trở lên thì bạn tiến hành mang cây con ra đất trồng.
Chọn những cây to khỏe, sức chống chịu tốt. Loại bỏ những cây yếu, sức sống kém.
Chôn cây con xuống đất theo từng hàng cách nhau 20cm để khi cây phát triển các tán lá không chen lấn nhau.
Nếu bạn trồng trong chậu nhỏ thì chỉ nên trồng tối đa 1 chậu 1 cây.
Sau khi mang cây con ra đất trồng bạn chú ý tưới nước thường xuyên để cây nhanh bén rễ vào đất mới.
Bước 6: Thu hoạch
Sau khoảng 2 – 3 tháng trồng thì cải kale đã có thể bắt đầu thu hoạch. Cải Kale có thể thu hoạch được rất nhiều lần trong thời gian dài. Bạn hái những lá to ở phía dưới trước và chừa lại những lá non, nhỏ phía trên để chúng tiếp tục phát triển.
Lưu ý khi hái lá xong bạn không nên tưới nước hay phân lên cây vì nấm, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào cây qua những vết cắt ở những lá vừa hái.
3. CÁCH CHĂM SÓC CẢI KALE
Vì là loài rau có sức sống khỏe, khả năng chống chịu tốt nên việc chăm sóc cây cải kale khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian công sức. Đối với loại rau này bạn chỉ cần chú ý tưới nước thường xuyên, bón phân đầy đủ, kiểm tra phòng ngừa sâu bệnh là cây có thể phát triển, sinh trưởng tốt.
Tưới nước: Trung bình một ngày bạn tưới 2 lần nước cho cây vào buổi sáng sớm và chiều tối lúc mát trời. Không nên tưới vào lúc trời nắng gắt vì sẽ gây sốc cho cây dẫn tới cây héo, chết.
Bón phân: Nên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng để bón cho cây để cung cấp nguồn rau sạch, an toàn cho người dùng. Phân hữu cơ rất nhiều dinh dưỡng và cây rất dễ hấp thụ. Bón phân hữu cơ giúp rau xanh hơn, mùi vị ngon hơn.
Phòng sâu bệnh: Sâu bệnh phá hoại cải Kale chủ yếu là sâu ăn lá, nấm hại thân gốc. Khi phát hiện sâu bệnh bạn sử dụng dung dịch gừng – tỏi – ớt để trị cho cây, sử dụng nấm tricho hoặc vôi bột cho vào gốc cây để ngăn ngừa nấm.
4. MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Cải kale nấu món gì ngon?
Vì cải Kale mới phổ biến trên thị trường vài năm nay nên nhiều chị em chưa biết chúng có thể làm các món ăn ngon nào. Dưới đây là một số món ăn ngon từ cải kale
- Salad cải kale
- Nước ép cải kale
- Cải kale xào thịt bò
- Cải kale luộc
- Cải kale nấu súp
- Cải kale cuốn thịt
Thành phần dinh dưỡng của cải kale?
Cải xoăn kale là một loại rau rất tốt cho sức khỏe nhờ bổ sung nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Thành phần dinh dưỡng chính trong 100g cải xoăn kale gồm:
- Năng lượng: 49 kcal
- Cacbohidrat: 9 g
- Protein: 4,3 g
- Lipid: 0,9 g
- Kali: 491 mg
- Natri: 38 mg
- Canxi: 150 mg
- Sắt: 1,5 mg
- Magie: 47 mg
- Vitamin C: 120 mg
- Vitamin B6: 0,3 mg
- Và rất nhiều chất dinh dưỡng khác,..
Lợi ích của việc ăn cải Kale?
Cải kale có tác dụng gì? Nhìn vào thành phần dinh dưỡng của cải kale ở trên thì chắc bạn cũng biết chúng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người như:
- Lá cải kale chứa phytochemicals – một chất oxy hóa giúp ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.
- Vitamin K trong cải kale cũng giúp ngăn chặn sự hình thành của các tế bào ung thư, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Trong cải kale chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, carotenoid… giúp duy trì một cơ thể trẻ và khỏe mạnh.
- Thành phần alpha-lipoic acid trong cải kale có tác dụng chống lão hóa, sản sinh collagen giúp da đàn hồi và mịn màng, trắng đẹp, tươi trẻ hơn.
- Thành phần sắt trong cải kale giúp tăng cường sự phát triển của tế bào và giảm tình trạng thiếu máu, thiếu máu lên não.
- Loại rau này giàu chất xơ, chứa ít calo, không có cholesterol nên giúp bạn duy trì vóc dáng thanh mảnh, đặc biệt phù hợp với những người đang ăn kiêng, giảm cân
- Cải kale có hàm lượng vitamin A cao nên rất tốt cho thị lực, đây còn là nguồn cung cấp canxi, mangan tuyệt vời giúp xương và răng chắc khỏe hơn.
Như vậy qua bài chia sẻ này của Nhà Vườn Organic bạn đã biết cải kale trồng mùa nào, cách trồng cải kale từ hạt rồi phải không nào. Chúc bạn thành công nhé!