Trong quá trình trồng và chăm sóc cải ngọt thì chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi các loại sâu bệnh phá hoại cải ngọt như: sâu ăn lá, rệp, rầy, sâu vẽ bùa bọ trĩ, nấm bệnh làm thối gốc,… Nếu không kịp thời nhận biết và xử lý thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, hiệu quả của cây trồng.
Hôm nay Nhà Vườn Organic sẽ chia sẻ cho bạn những [ MẸO HAY] Cách phòng trừ & xử lý SÂU BỆNH Ở CẢI NGỌT ❤️️. Đảm bảo khi đọc xong bài viết này bạn sẽ không phải lo lắng khi một ngày đẹp trời sâu bệnh từ đâu tới phá hoại vườn rau cải ngọt của bạn.
Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Những loại sâu bệnh ở cải ngọt thường gặp nhất
1. Sâu ăn lá
Sâu ăn lá là một trong những nỗi lo lắng đối với những gia đình trồng rau theo hướng rau sạch, hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học.
Khí hậu mát mẻ là điều kiện lý tưởng cho sâu bệnh phát triển và phá hoại cây trồng. Sâu ăn lá thường hoạt động mạnh vào ban đêm, do đó rất khó phát hiện ra chúng ẩn nấp ở đâu.
Dấu hiệu nhận biết: Rau cải ngọt bị sâu ăn lá phá hoại thường có những đường hình răng cưa trên lá kéo dài, dưới gốc cải ngọt sẽ có những hạt tròn nhỏ màu xanh do sâu thải ra.
Cách xử lý phòng trừ sâu ăn lá rau cải ngọt:
- Khi phát hiện trên lá cải ngọt có dấu hiệu bị cắn phá và có phân dạng viên tròn dưới gốc thì phải kiểm tra xem sâu ăn lá còn ở trên cải ngọt hay không.
- Tiến hành bắt sâu vào ban đêm nếu số lượng và diện tích vườn rau nhỏ.
- Sử dụng dung dịch gừng – tỏi – ớt phun cho rau cải ngọt, phun đều đặn hàng ngày cho tới khi không còn sâu thì ngưng. Cách làm này rất hiệu quả mà lại an toàn.
2. Rầy, rệp ở rau cải ngọt
Rầy, rệp là loại sâu bệnh rất thường gặp khi trồng cải ngọt. Chúng thường bám lên bề mặt phía sau của lá, khả năng sinh sôi và phát triển cực nhanh.
Dấu hiệu nhận biết: Rầy rệp rất dễ nhận biết bằng mắt thường, chúng có kích thước nhỏ bằng hạt mè, thường tập trung thành từng ổ lớn.
Rầy rệp hút chất dinh dưỡng của lá, làm cho lá cải ngọt bị xoăn, héo và dẫn tới tình trạng cây chết nếu không điều trị kịp thời.
Cách xử lý phòng trừ rầy rệp hại cải ngọt
Cách 1: Sử dụng nước ấm (hiệu quả 60%)
- Pha nước ấm với tỉ lệ 1 sôi + 1 lạnh, sau đó cho vào bình phun.
- Phun đều vào mặt sau của lá cải ngọt (nơi có rầy rệp).
- Tiến hành phun vào sáng sớm hoặc chiều tối.
- Phun đều đặn ngày 2 lần cho tới khi không còn rầy rệp trên cây cải ngọt.
Cách 2: Sử dụng nước rửa chén (hiệu quả 80%)
- Pha 10ml nước rửa chén với 1 lít nước ấm, sau đó lắc đều cho dung dịch hòa trộn vào nhau.
- Phun đều vào mặt sau của lá cải ngọt (nơi có rầy rệp).
- Sau 30 phút phun lại bằng nước sạch để tránh lá cải ngọt bị cháy.
- Phun vào sáng sớm hoặc chiều tối sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
- Phun 1 ngày / lần cho tới khi hết sâu bệnh.
Cách 3: Sử dụng dung dịch gừng – tỏi – ớt (hiệu quả 80%)
- Dung dịch gừng – tỏi – ớt được xem là loại thuốc sinh học giúp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả mà lại rất an toàn. Bạn có thể tham khảo cách làm dung dịch gừng – tỏi – ớt trên Youtube.
- Pha dung dịch với nước sạch, phun đều vào mặt sau của lá cải ngọt (nơi có rầy rệp).
- Phun vào sáng sớm hoặc chiều tối sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
- Phun 1 ngày / lần cho tới khi hết sâu bệnh.
3. Sâu vẽ bùa ở cải ngọt
Sâu vẽ bùa mặc dù không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cải ngọt, tuy nhiên nếu không phòng trừ kịp thời thì lại tạo điều kiện cho những vi khuẩn, nấm bệnh khác dễ dàng xâm nhập vào những vết đục của sâu vẽ bùa.
Dấu hiệu nhận biết: Cải ngọt khi bị sâu vẽ bùa phá hoại thì trên lá sẽ xuất hiện những đường màu trắng ngoằn ngoèo, quan sát kĩ sẽ thấy ấu trùng màu vàng nhỏ đang đục lớp mô của lá cải ngọt.
Cách khắc phục
Cách xử lý phòng trừ sâu vẽ bùa ở cải ngọt
Cách 1: Bắt trực tiếp bằng tay
Trường hợp diện tích khu vườn nhỏ hoặc sâu bệnh mới xuất hiện, bạn có thể tiến hành tiêu diệt sâu vẽ bùa bằng cách bắt trực tiếp bằng tay.
Nếu chỉ có vài lá bị sâu vẽ bùa thì bạn có thể cắt bỏ những lá bị sâu bệnh bệnh đó để tránh lây nhiễm qua những cây, lá cải ngọt khác.
Sử dụng que tăm có đầu nhọn, lách nhẹ theo đường ngoằn ngoèo mà sâu vẽ bùa để lại, khi lách tới cuối đường bạn sẽ phát hiện ấu trùng nhỏ màu vàng, hãy bắt nó ra và tiêu diệt.
Cách 2: Sử dụng dung dịch gừng – tỏi – ớt
- Dung dịch gừng – tỏi – ớt được xem là loại thuốc sinh học giúp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả mà lại rất an toàn. Bạn có thể tham khảo cách làm dung dịch gừng – tỏi – ớt trên Youtube.
- Pha dung dịch với nước sạch, phun đều vào mặt lá của cải ngọt.
- Phun vào sáng sớm hoặc chiều tối sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
- Phun 1 ngày / lần cho tới khi hết sâu bệnh.
4. Bệnh thối gốc ở cải ngọt
Thối gốc ở cải ngọt thường xuất hiện vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, bệnh xuất hiện nhiều ở giai đoạn cây con.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh thối gốc ở cải ngọt là do một loại nấm bệnh có trong đất, vào điều kiện thuận lợi, loại nấm bệnh này sẽ phát triển nhanh chóng và phá hoại cây trồng khiến cải ngọt bị thối gốc, ngã và chết.
Dấu hiệu nhận biết: Ở phần tiếp xúc của thân cải ngọt với mặt đất sẽ có vết thâm đen, nhũn, cải bị đổ rạp và chết.
Cách xử lý phòng trừ bệnh thối gốc ở cải ngọt
Khi phát hiện rau cải ngọt bị bệnh thối gốc, bạn cần làm những bước sau:
- Nhổ bỏ những cây cải ngọt bị thối gốc để tránh lây nhiễm sang cây khác.
- Sử dụng vôi bột hòa tan với nước tưới xuống đất để tiêu diệt nấm bệnh.
- Định kỳ 1 tuần / lần, tiến hành tưới nấm Trichoderama vào đất để ngăn ngừa, nấm bệnh phát triển.
Cách phòng ngừa nấm bệnh gây thối gốc ở rau cải ngọt:
- Cải tạo, xử lý sạch đất trước khi trồng.
- Sử dụng vôi bột hoặc nấm đối kháng Trichoderma trộn vào đất để phòng ngừa nấm bệnh.
- Không nên trồng rau cải ngọt quá dày, nên trồng ở vị trí có nhiều ánh sáng, thoáng mát.
- Trồng luân phiên các giống rau trồng khác nhau cho mỗi mùa vụ
Trên đây là một số loại sâu bệnh thường gặp ở cải ngọt, hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn nhận biết và xử lý kịp thời khi cải ngọt xuất hiện sâu bệnh phá hoại. Chúc bạn thành công.